Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

Chọn tã an toàn cho con

10:00 AM | 19/09/2018

Cho con mặc loại tã nào, trong thời điểm nào, luôn là băn khoăn của các bà mẹ trẻ.

Hiện, nhiều bà mẹ có khuynh hướng dùng tã giấy, nhưng một số khác, do điều kiện kinh tế nên chọn tã vải. Mỗi loại tã đều có ưu thế riêng, điều quan trọng là chọn loại tã có thể thay đổi thường xuyên cho trẻ khi cần thiết và bảo đảm các nguyên tắc vệ sinh cơ bản tạo cho trẻ cảm giác thoải mái, dễ chịu.

Chon ta an toan cho con

Ảnh minh họa

Tã giấy hay tã vải?

Tã giấy rất dễ sử dụng, không phải gấp nhiều lần phức tạp hay cài kim băng mà cũng chẳng cần phải mặc thêm quần nhựa, nhất là có thể vứt bỏ dễ dàng mỗi khi bị ướt hoặc bẩn. Ngoài ra, nó rất tiện lợi vì mỗi khi đi xa, chỉ cần mang theo một vài cái là đủ, lại không choán nhiều chỗ hay mất công mang về để giặt…

Vào mùa lạnh, tã giấy chiếm ưu thế hơn so với tã vải nhờ có độ hút thấm cao và giúp trẻ không bị lạnh khi tè dầm. Khi mua tã giấy, bạn nên chọn loại có màng đáy thoáng dạng vải sẽ thích hợp hơn đối với làn da nhạy cảm của trẻ, nhất là vùng da đùi nơi tiếp xúc với đáy tã. Hai bên vách chống trào của tã nếu được thiết kế mềm mại sẽ không gây vết hằn lên đùi, làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Tã vải tuy tốn nhiều chi phí ban đầu nhưng xét về lâu dài lại kinh tế hơn. Sử dụng tã vải phải xả sạch, giặt, khử trùng và làm khô sau khi sử dụng. Số lượng tã cần dùng tối thiểu phải là 24 cái để luôn có tã mới khi cần thay cho trẻ.

Dự trữ tã càng nhiều thì càng đỡ mất công giặt giũ nhiều lần. Lưu ý khi mua cần chọn loại tốt nhất. So với tã giấy, tã vải có thể sử dụng trong một thời gian dài, hút ẩm tốt tạo cho trẻ cảm giác dễ chịu hơn.

Bé dùng tã thế nào?

Bé gái thường bị ướt ở vị trí giữa hoặc về phía sau của tã khi nằm xuống, vì thế nếu chọn tã giấy bạn cần chọn loại tã giấy có thiết kế khác nhau, tập trung vào vị trí trẻ có thể tiểu nhiều nhất, kể cả ngày và đêm. Hoặc có thể chọn loại quần dễ nhìn hoặc có đường diềm để mặc bên ngoài tã vải cho bé khi mặc áo đầm.

Bé trai có khuynh hướng ướt ở vị trí phía trước của tã, vì thế, bạn cần chọn loại tã có lớp lót phụ thêm ở phía trước. Ngoài ra, do bé trai thường tiểu mỗi khi thay tã, vì thế cần phủ thêm một lớp tã khác lên bộ phận sinh dục của bé và vệ sinh tã ngay khi phát hiện tã bị dơ. Khi thay tã sạch, nên đẩy nhẹ bộ phận sinh dục của bé sang một bên để tránh nước tiểu có thể bị rò rỉ từ phía trên tã.

Tránh hăm khi mặc tã

Việc chọn và dùng tã giấy không đúng cách có thể làm cho da trẻ bị mẩn đỏ và đau rát thường gọi là chứng hăm tã. Da của trẻ bị ẩm ướt trong một thời gian dài, thiếu sự lưu thông của không khí là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn trong nước tiểu phát triển trên da trẻ.

Vì thế, để đề phòng bạn cần thay tã cho trẻ ít nhất sáu tiếng/lần, tã vải là bốn tiếng/lần. Đừng quên thoa dầu hoặc kem tại các nếp gấp, kẽ trên vùng da mặc tã nhằm bảo vệ không cho nước tiểu, phân thấm vào da trẻ.

Bạn nên thường xuyên thay tã và vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, dù đó là loại tã nào. Khi thay tã vải hay tã giấy cũng nên làm vệ sinh vùng kín của bé với nước ấm và thấm thật khô trước khi quấn tã hay đóng bỉm.

Thùy Như

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Đầu trang
dich vu ke toan acb