Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

  • BKSK»
  • Lối sống »
  • Nồm ẩm liên tục kéo dài tại các khu vực miền Bắc, mọi người cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Nồm ẩm liên tục kéo dài tại các khu vực miền Bắc, mọi người cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?

12:00 AM | 20/03/2024

Thời tiết miền Bắc hiện đang bước vào giai đoạn nồm ẩm, mang đến cảm giác ẩm ướt cực kỳ khó chịu. Không những thế, trời nồm còn gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của chúng ta, nhất là với nhóm đối tượng trẻ em và người cao tuổi. Vậy mọi người cần làm gì để đối phó với thời tiết nồm ẩm này?

Trời nồm là hiện tượng thời tiết đặc trưng của các tỉnh phía đông Bắc Bộ, xảy ra khi độ ẩm không khí đạt mức trên 90%. Lúc này, xung quanh nhà ở sẽ có những dấu hiệu như: đọng sương trên bề mặt tường, nền nhà, đồ nội thất,… Nguyên nhân một phần là do thời tiết nóng lên dẫn đến hiện tượng bay hơi nước từ các bề mặt đất, cây cỏ, và đặc biệt từ mặt biển. Điều này làm cho độ ẩm trong không khí tăng cao, hơi nước bị ngưng tụ và đọng lại trên các bề mặt.

Một lý do khác là do sự đô thị hóa với các tòa nhà cao tầng, giao thông, sản xuất khiến một lượng lớn các hạt bụi mịn (PM2.5) và các chất gây ô nhiễm khác tập trung trong không khí làm không khí bị ô nhiễm nặng, nhưng khả năng thoát hơi nước từ đất giảm cũng kết hợp tạo thành tình trạng nồm ẩm.

Nom am lien tuc keo dai tai cac khu vuc mien Bac, moi nguoi can lam gi de bao ve suc khoe?

Tùy thuộc vào mức chênh lệch nhiệt độ giữa các bề mặt (mặt đất, tường,... ) và không khí mà sẽ cho ra mức độ nồm khác nhau. Ví dụ, tình trạng chênh lệch nhiệt độ càng lớn thì hiện tượng nồm sẽ càng dày đặc (Ảnh: Internet)

Trời nồm ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và sức khỏe của chúng ta?

1. Gây hư hại đến nhà cửa, đồ vật

Khi trời nồm, nhà cửa thường bị ẩm ướt, trơn trượt và rất khó lau khô do hơi nước bám liên tục lên bề mặt. Đối với những ngôi nhà lâu đời, có dấu hiệu cũ kỹ thì sẽ còn gặp thêm tình trạng thấm nước và chảy nước tại các khu vực như cầu thang, cửa kính, cửa sổ, khe tường…

Theo thời gian, tường nhà bị ẩm mốc, nứt nẻ do sự kết dính của vữa, sơn bị phá vỡ,... gây thiệt hại nặng nề cho nhà cửa. Nguy hiểm hơn là nó còn có thể dẫn tới tai nạn không mong muốn như sập tường, bể kính,... đe dọa tính mạng người trong nhà.

Nom am lien tuc keo dai tai cac khu vuc mien Bac, moi nguoi can lam gi de bao ve suc khoe?

Trời nồm khiến thời tiết luôn ẩm ướt, làm xuất hiện những vũng nước nhỏ trên sàn nhà và gây hư hại đến các vật dùng thường được đặt ở dưới đất. Ngoài ra, quần áo và chăn đệm cũng sẽ bị ẩm mốc do hơi nước bám lên không thể thoát được (Ảnh: Internet)

2. Gây ảnh hưởng đến sức khỏe

- Ảnh hưởng hệ hô hấp: Độ ẩm tăng cao trong không khí được xem là điều kiện lý tưởng để các virus, vi khuẩn, nấm mốc, bụi nhà,… sinh sôi và phát triển. Từ đây, những tác nhân gây bệnh sẽ xâm nhập và kích thích trực tiếp vào niêm mạc đường thở, làm tăng tiết và co thắt phế quản - gây ra các triệu chứng ho, hắt hơi,,… và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm họng, sổ mũi, viêm phế quản cấp, viêm phổi,...). Nhóm đối tượng nguy cơ như trẻ em và người cao tuổi khi mắc bệnh sẽ nghiêm trọng hơn vì hệ thống miễn dịch yếu, không tiêu diệt được hết virus, vi khuẩn xâm nhập.

- Ảnh hưởng hệ tiêu hoá: Không khí ẩm có thể khiến cho nấm mốc sinh sôi và tấn công vào nguồn thực phẩm, làm sản sinh ra aflatoxin - một chất cực độc đối với sức khỏe con người, là một trong những nguyên nhân gây xơ gan và ung thư gan. Không chỉ vậy, không khí ẩm ướt dễ làm cho thức ăn nhanh ôi, thiu hơn - nếu không may ăn phải sẽ làm nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, thậm chí là ngộ độc.

- Gây ra một số bệnh ngoài da và dị ứng: Trời nồm khiến các vật dụng cá nhân như quần áo, khăn mặt, chăn ga gối đệm luôn trong tình trạng ẩm ướt - theo thời gian sẽ sản sinh ra nấm mốc và vi khuẩn. Khi sử dụng, ta vô tình tạo điều kiện để nấm mốc và vi khuẩn bám lên da, gây ra viêm da, mề đay hay viêm da dị ứng.

Để bảo vệ sức khỏe khi trời nồm vào mùa, mọi người cần ghi nhớ những điều sau

1. Đảm bảo cơ thể luôn sạch sẽ

Việc đảm bảo cơ thể luôn sạch sẽ là yếu tố hàng đầu giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Chuyên gia y tế khuyến nghị chúng ta nên tắm nước nóng mỗi ngày một lần - vừa tránh bị nhiễm lạnh vừa giúp loại bỏ bụi bẩn bám trên cơ thể. Bên cạnh đó, tuân thủ quy tắc rửa tay trước và sau khi ăn để tránh lây lan vi khuẩn.

Đối với phái nữ thường dễ bị viêm nhiễm phụ khoa khi trời nồm, cần bảo đảm sạch sẽ cho “cô bé” bằng cách rửa 2 lần/ ngày với nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh. Hạn chế thụt rửa sâu gây mất cân bằng độ pH bên trong vùng kín.

Nom am lien tuc keo dai tai cac khu vuc mien Bac, moi nguoi can lam gi de bao ve suc khoe?

Mọi người cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ nhằm hạn chế nguy cơ vi khuẩn, virus trong không khí bám lên da và gây bệnh (Ảnh: Internet)

2. Vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ

Một số gia đình có thói quen mở cửa sổ khi vào trời nồm ẩm vì nghĩ rằng sẽ giúp nhà cửa thông thoáng và nhanh khô. Nhưng, chính điều đó lại càng lại làm cho không khí ẩm tràn vào nhà nhiều hơn. Để hạn chế không khí vào nhà, cách tốt nhất là nên đóng kín các cửa sổ, thường xuyên lau chùi bằng những loại vải dễ hút nước.

Ngoài ra, bạn nên thường xuyên thay chăn ga để phòng tránh nấm mốc, vi khuẩn trú ngụ và sinh sôi - vì đây là nguyên nhân chính gây nên các bệnh nguy hại cho sức khỏe.

3. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C

Mâm cơm của gia đình trong những ngày nồm ẩm luôn cần phải có thực phẩm chứa vitamin C. Theo chia sẻ của chuyên gia dinh dưỡng, vitamin C có thể thúc đẩy sản xuất các tế bào bạch cầu giúp bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng cũng như tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách giúp các tế bào bạch cầu hoạt động hiệu quả hơn. Vì thế, bổ sung vitamin C thường xuyên vào những ngày này để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh từ virus, vi khuẩn là điều cực kỳ cần thiết, nhất là với những gia đình có trẻ em và người lớn tuổi.

Nom am lien tuc keo dai tai cac khu vuc mien Bac, moi nguoi can lam gi de bao ve suc khoe?

Có thể bổ sung vitamin C thông qua các thực phẩm như: các loại rau lá xanh (bông cải xanh, cải thìa, rau bina,...) hoặc những loại củ, quả có màu (cà rốt, cà chua, bí ngô, cam, chanh, dâu tây,...) (Ảnh: Internet)

4. Chủ động nâng cao sức đề kháng của cơ thể

Sức đề kháng của cơ thể luôn hoạt động tốt chính là “vũ khí” để chúng ta có thể chiến đấu với các tác nhân gây bệnh. Để chủ động nâng cao được hệ thống đề kháng và miễn dịch, mọi người nên chủ động thực hiện những việc sau đây:

- Uống đủ nước: bổ sung đủ nước sẽ giúp hạn chế nguy cơ mất nước, đồng thời hỗ trợ đào thải độc tố và tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

- Luyện tập thể thao: dành ra 30 phút/ ngày để vận động là cách giúp chúng ta lưu thông khí huyết và tăng cường sức khỏe.

- Tiêm phòng đầy đủ: cần chủ động tiêm phòng những mũi cúm, phế cầu,... đúng thời điểm để bổ sung kháng thể, giúp cơ thể đủ sức để chống lại những tác nhân gây bệnh.

Trời nồm “vào mùa” không chỉ gây ra bất tiện trong việc sinh hoạt, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe chúng ta. Chính vì vậy, mọi người cần chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình, bảo quản nhà cửa nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh và hư hại từ loại thời tiết này nhé.

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Đầu trang
dịch vụ kê khai thuế