Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

Bảo vệ mắt tránh nguy cơ loét giác mạc

3:09 PM | 25/05/2015

Loét giác mạc là bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến giảm thị lực vĩnh viễn hoặc mù lòa.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Là kỹ sư công nghệ thông tin, chuyên ngành phần mềm nên hằng ngày anh Nguyễn Văn Hiếu (Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, Tp.HCM) phải làm việc với máy tính nhiều giờ với cường độ cao. Ngoài thời gian làm việc tại công ty, buổi tối về nhà anh lại ngồi máy tới hơn 12 giờ đêm mới chịu rời màn hình. Thời gian gần đây, anh cảm thấy mắt bị đau nhức nhối, mờ và bị chói khi ra ngoài nắng... Tuy nhiên, anh nghĩ đó chỉ là biểu hiện bình thường của mắt do phải làm việc với máy tính nhiều nên chủ quan. Đến khi không thể chịu đựng được nữa vì nước mắt cứ chảy dàn dụa anh mới chịu đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị viêm loét giác mạc.

Loét giác mạc do đâu?

Giác mạc là một lớp rất mỏng, lại là bộ phận đầu tiên của mắt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên giác mạc rất dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, giác mạc vốn được bảo vệ nhờ mi mắt che phủ ở bên ngoài, sâu hơn là phim nước mắt tráng rửa liên tục trên bề mặt. Các kháng thể tại chỗ phần lớn là IgA và men lysozyme cũng làm cho các mầm bệnh rất khó có cơ hội gây bệnh cho giác mạc.

Theo ThS.BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt TW): “Loét giác mạc chỉ xảy ra khi các yếu tố bảo vệ giác mạc bị khiếm khuyết ví dụ như: chấn thương giác mạc không điều trị đúng cách, hở mi, suy giảm miễn dịch, thiếu hụt phim nước mắt về chất lượng hoặc số lượng... Các vi sinh vật gây bệnh có thể là vi khuẩn, virus, nấm, đơn bào gây bệnh- amip cũng có khi là hình thái loét do thiếu dinh dưỡng hoặc do yếu tố thần kinh”.

Bên cạnh đó, gây lên bệnh loét giác mạc còn có những tác nhân vô tình như côn trùng, lá cây, bụi, mảnh kính vỡ... chẳng may bắn vào giác mạc. Dùng kính sát tròng không đúng cách, tự dùng thuốc nhỏ không đúng, đặc biệt dùng thuốc nhỏ có chất dexa khi không có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa mắt; các bệnh đau mắt đỏ, lông quặm không được điều trị để bệnh kéo dài gây tổn thương nghiêm trọng cho mắt.

Tự nhận biết những triệu chứng của loét giác mạc

Bách Khoa Sức Khỏe cho biết: những biểu hiện của loét giác mạc rất phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người lại xem thường những triệu chứng đó, hoặc có thể do thiếu hiểu biết dẫn đến bệnh ngày càng trầm trọng. Vì vậy, khi mắt có những biểu hiện dưới đây, bạn cần phải đi kiểm tra để phát hiện và chữa trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm cho mắt:

- Mắt đau nhức nhối, đau âm ỉ, bất cứ sự va chạm hay tác động nào vào mắt cũng có thể tạo ra cảm giác đau.

- Khi bị loét giác mạc, mắt rất dễ chảy nước mắt, khi vành mi lên nước mắt sẽ chảy dàn dụa.

- Mỗi khi tiếp xúc với ánh sáng đèn, mặt trời, mắt thường có biểu hiện chói, rất sợ ánh sáng và nhắm chặt lại, thậm chí có thể chảy nhiều nước mắt.

- Mắt nhìn mờ: Tùy mức độ bệnh khác nhau mà thị lực và khả năng nhìn sẽ giảm đi.

- Mắt đỏ quanh tròng đen.

- Xuất hiện đốm trắng to hay nhỏ ở trên giác mạc, hay ở trung tâm giác mạc.

“Tất cả những khó chịu trên khiến phần lớn bệnh nhân sẽ phải đi khám trong vòng 24 giờ sau khi bị bệnh. Tuy nhiên cũng có những trường hợp “gan lỳ” hay loét do virus herpes bệnh nhân có thể đến khám muộn hơn. Điều này gây nguy hiểm cho mắt”. – bác sĩ Hoàng Cương cho biết.

Phát hiện và điều trị loét giác mạc kịp thời để tránh mù lòa

Giác mạc là bộ phận có ảnh hưởng vô cùng quan trọng tới thị lực. Khi không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách, vết loét trên giác mạc sẽ càng rộng sẽ dẫn đến biến chứng như sẹo giác mạc, teo nhãn, lồi mắt cua, giảm thị lực và có thể dẫn đến mù lòa. Vì thế, khi phát hiện những triệu chứng của loét giác mạc, mỗi người cần có biện pháp điều trị kịp thời để tránh gây tổn thương nghiêm trọng tới mắt.

Trao đổi với chúng tôi, BS. Hoàng Cương cho biết: “Loét giác mạc là một bệnh cấp cứu và nguy hiểm. Bạn đừng nên tự điều trị hay trông cậy vào những người không phải là bác sỹ chuyên khoa mắt. Với loét giác mạc chúng tôi thường phải làm xét nghiệm vi sinh ngay lập tức, có khi kèm với xét nghiệm về tế bào và mô bệnh học. Trong lúc chờ đợi kết quả xét nghiệm, theo hình thái lâm sàng hay kinh nghiệm bác sỹ có thể kê tạm một đơn thuốc cấp cứu.

Sau đó điều trị sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm mà chúng tôi có được. Có những phác đồ cụ thể cho mầm bệnh là virus, vi khuẩn hay nấm. Các thuốc làm êm dịu cho mắt, chống viêm, tăng dinh dưỡng và khả năng hàn gắn tổn thương của giác mạc cũng sẽ có mặt ở các đơn thuốc. Dù chúng tôi đã có đầy đủ các phương tiện trong tay, nhưng một diễn tiến tự nhiên của loét giác mạc thường mất nhiều ngày có khi là hàng tháng mới trở về bình thường được”.

Tuy nhiên, theo BS. Hoàng Cương, dù tốt thuốc đến mấy vẫn có những trường hợp để lại sẹo trên giác mạc gây giảm thị lực cho bệnh. Tệ hại hơn là loét gây thủng, phòi các môi trường bên trong mắt khiến bác sỹ chỉ còn cách múc bỏ, lắp mắt giả, đồng nghĩa với mất thị lực vĩnh viễn. Ghép giác mạc tuy là cứu cánh cuối cùng của bệnh nhân loét giác mạc nặng nhưng không phải lúc nào cũng sẵn có và luôn thành công.

Loét giác mạc là một bệnh cực kỳ nguy hiểm và khó điều trị. Do đó, mỗi người cần phải có những biện pháp đề phòng tránh, bảo vệ mắt tránh nguy cơ loét giác mạc.

Cảnh giác với giác mạc

Một số bệnh hay cơ địa có thể dẫn đến loét giác mạc:

- Hở mi do chấn thương, do liệt dây thần kinh mặt.

- Khô mắt và một số bệnh lý toàn thân gây ra khô mắt: bệnh tự miến, bệnh lý của hệ collagen.

- Basedow có biến chứng mắt.

- Suy giảm hay thiếu hụt miễn dịch, thiếu vitamin A.

Lưu ý: Bảo vệ mắt tránh nguy cơ loét giác mạc

- Tránh những chấn thương cho mắt: Không nên để móng tay quyệt vào mắt, không dụi mắt khiến mắt bị chầy xước.

- Không nên tự tra thuốc nhỏ mắt khi chưa có ý kiến tư vấn của bác sĩ.

- Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bảo hộ lao động: Ðeo kính bảo hộ khi làm việc nơi có nhiều bụi, như thợ hàn điện, thợ tiện...

- Khi bị dị vật vào mắt, nếu không tự lấy ra được nên đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được hỗ trợ.

- Khi phát hiện những triệu chứng của loét giác mạc cần đi kiểm tra ngay để đảm bảo sức khỏe cho mắt.

Lam Lê

Đầu trang
dịch vụ thuế